Trường Tiểu học Diễn Lộc - Diễn Châu - Nghệ An

https://tieuhocdienloc.dienchau.edu.vn


Không gian sống động về chiến thắng chấn động địa cầu

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), công trình tôn vinh giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây 60 năm sẽ chính thức mở cửa đón khách vào ngày 5/5 tới.


Sự hoành tráng trong thiết kế cùng với thủ pháp trưng bày độc đáo sẽ khiến người xem như được trở về để chứng kiến chặng đường 9 năm kháng chiến chống Pháp khi đi xuyên suốt không gian trưng bày của Bảo tàng.

Công trình mang tầm vóc Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được thi công xây dựng từ tháng 10/2012, với tổng mức kinh phí hơn 211 tỷ đồng. Bảo tàng có diện tích trên 22.000m2, trong đó khu nhà chính được thiết kế hình chiếc mũ nan có mắc lưới để gài vật ngụy trang, giống như của chiến sĩ Điện Biên năm xưa, gồm một tầng hầm và một tầng nổi.

Tầng hầm sẽ là nơi đón tiếp khách tham quan, khu hành chính và không gian học tập tương tác; tầng nổi sẽ là không gian trưng bày cố định, không gian panorama (toàn cảnh) và bộ phận làm việc. Sau khi bảo tàng mở cửa, du khách sẽ được tham quan toàn bộ công trình hơn 7.000m2.

Riêng phần trưng bày cơ bản của công trình có diện tích sàn là 1.400m2, lớn gần gấp ba lần diện tích sàn nhà trưng bày cũ (588m2).

Bảo tàng trưng bày gần 1.000 hiện vật và hình ảnh được chia làm 4 nội dung gồm Chặng đường 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, từ 9/1945-9/1953; diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ; sự giúp đỡ của nhân dân thế giới đối với chiến dịch Điện Biên Phủ; tác động của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với thế giới; phòng tôn vinh.

Ngoài ra, toàn bộ phía trong tầng 2 của nhà bảo tàng sẽ được thiết kế bức tranh panorama, là một hạng mục rất quan trọng trong chuỗi nội dung trưng bày của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, dự kiến hoàn thành vào năm 2016.

Đây là bức tranh tròn đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam nhằm tái hiện một cách chân thực nhất chiến trường Điện Biên Phủ.

Toàn bộ Đề cương trưng bày trong Bảo tàng gắn với những sự kiện liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó điểm nhấn là ''56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt'', tôn vinh gương hy sinh của các anh hùng Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót…

Nhiều hiện vật mô tả công tác mở đường, kéo pháo, vận chuyển lương thực của quân và dân trong chiến dịch như chiếc xe cút kít của dân công Trịnh Đình Bầm với 1 phần bánh xe được làm từ bàn thờ tổ tiên, chiếc xe có thể chở tới 280kg/chuyến lương thực, nhờ vậy chỉ trong vòng 4 tháng, với quãng đường gian khổ 20km, cụ Bầm đã chuyển được hơn 12 tấn lương thực phục vụ chiến trường.

Đó là những hiện vật, kỷ vật minh chứng cho sự thần kỳ mà quân và dân Việt Nam đã làm nên trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bằng những vũ khí, phương tiện thô sơ nhưng đã đánh bại vũ khí, phương tiện tối tân của thực dân Pháp trong kháng chiến.

Đặc biệt, nhiều hiện vật mới đã được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng, là những hiện vật trước đây được trưng bày ngoài trời cùng với những hiện vật mà tỉnh Điện Biên trưng tập được trong cuộc vận động cựu chiến binh Điện Biên Phủ hiến tặng thời gian vừa qua như Bức tranh “Xuân trong hầm pháo” của Họa sĩ Phạm Thanh Tâm; con dao đa năng của Thiếu úy Nguyễn Dũng Chi thu được tại hầm De Castries; Sơn pháo 75 ly của Anh hùng Phùng Văn Khầu; khẩu pháo 105 ly đã bắn loạt ở trận đánh đầu tiên tại Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ…

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn phối hợp với Bảo tàng Hậu cần để trưng bày thêm mảng hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ; trưng bày nhiều số báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận Điện Biên Phủ,…Trong Bảo tàng cũng dành nhiều không gian để tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ bằng nhiều hình thức trưng bày, triển lãm.

Ông Vũ Nam Hải, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho biết tài liệu, hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng sẽ phản ánh đúng tầm vóc chiến thắng Điện Biên Phủ.

Điểm đặc biệt ở không gian trưng bày, là một vòng tròn trong khu nhà chính của Bảo tàng, được thiết kế rộng rãi. Thủ pháp trưng bày hiện đại, lôgic, sử dụng nhiều hộp hình, tượng để gắn vào các hiện vật, ngữ cảnh của chiến dịch. Nhờ vậy, không gian tham quan sẽ mang lại cảm giác sinh động, chân thực, khiến người xem như được sống trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân cả nước .

Háo hức cho ngày mở cửa

Đối với riêng ông Vũ Nam Hải, người đã gắn bó với công việc tại Bảo tàng cũ 26 năm, công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được xây dựng là một niềm hạnh phúc lớn lao. Ông tâm sự: "Tôi gắn bó với công việc tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (cũ) ngay từ những năm đầu hoạt động. Đến nay, khi mảnh đất Điện Biên lại có một công trình Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hoành tráng, lộng lẫy như thế này, đó là một niềm hạnh phúc không còn gì sánh bằng đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng cũng như du khách tham quan khi đến Điện Biên. Đáng quý trọng hơn khi công trình này lại được khánh thành đúng vào Đại lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ".

Khi đặt chân vào khu nhà tròn mới cảm nhận được hết không khí háo hức, tất bật chuẩn bị cho ngày khánh thành Bảo tàng. Gần 15 thuyết minh viên tiêu biểu, được chọn lựa từ đội ngũ thuyết minh viên của Bảo tàng vẫn đang tập luyện miệt mài, hăng say trước ngày mở cửa tham quan. Tất cả đều phấn khởi khi ngày mai thôi là có thể thỏa sức thuyết minh bằng giọng nói ngọt ngào, truyền cảm của mình kể cho du khách nghe những câu chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ. Dù không trải qua chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những gì liên quan đến chiến thắng lịch sử ấy dường như ngấm vào máu của những thuyết minh viên.

Thuyết minh viên Quàng Thị Nhung, người được chọn làm thuyết minh cho đoàn lãnh đạo tham quan trong lễ khánh thành Bảo tàng phấn khởi cho biết: "Chúng tôi đã tập thuyết minh cho Bảo tàng mới này gần 1 tháng nay. Được làm công việc mà mình yêu thích trong một Bảo tàng hoành tráng như thế này, tôi cảm thấy vô cùng tự hào. Tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng về các bài thuyết minh và luyện giọng để sẵn sàng cho ngày Bảo tàng mở cửa. Bảo tàng với không gian rộng rãi, các hiện vật sinh động như thế này sẽ giúp các thuyết minh viên nhập tâm hơn và cũng là điều kiện để chúng tôi có thể bộc lộ hết đam mê với nghề".

Để chuẩn bị cho ngày mở cửa, từ tháng 4, lãnh đạo Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng đã mời các thuyết minh viên kỳ cựu của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam về tham gia trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo cho các thuyết minh viên của Bảo tàng.

Mọi công việc chuẩn bị đều đã được hoàn tất trước ngày khánh thành, chính thức mở cửa tham quan. Trong những ngày đầu của tháng 5 lịch sử, Điện Biên rộn ràng bởi không khí của ngày Đại lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, người dân nơi đây và du khách tham quan đang háo hức được tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, để được sống trong cảm xúc hào hùng của dân tộc cách đây 60 năm.

Cụ Phạm Đức Cư, cựu chiến binh Điện Biên Phủ tâm sự: "Khi tỉnh Điện Biên vận động cựu chiến binh hiến tặng kỷ vật chiến dịch Điện Biên Phủ để trưng bày trong Bảo tàng mới xây này, tôi hiến tặng 5 kỷ vật đã gắn bó với mình hơn nửa cuộc đời. Tôi và những cựu chiến binh Điện Biên Phủ đang rất háo hức ngày Bảo tàng mở cửa để vào thăm, sống lại cảm giác một thời gian khổ mà hào hùng. Chúng tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ"./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây